Thứ Hai, 14 tháng 4, 2025

Trang trí trong kiến trúc truyền thống

Trong các công trình kiến trúc gỗ truyền thống tại Việt Nam nhất là đối với các công trình mang yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng như: đình, đền, chùa, miếu... thì mảng điêu khắc được đánh giá là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất tạo nên vẻ đẹp cho công trình. Dưới đây là các hình tượng trang trí thường gặp trong kiến trúc cổ truyền thống từ Bắc tới Nam, mang đậm ảnh hưởng của Phật Giáo và một số đạo khác như Đạo Giáo, Nho giáo.

Các hình tượng trang trí đơn lẻ:

Con rồng: Các dạng trang trí hình rồng phát triển theo từng thời kỳ, mang những đặc điểm mỹ thuật khác nhau. Trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam, hình tượng con rồng cũng được phát hiện từ những di vật còn lại từ thời Lý. 

Con rồng thể hiện cho tâm linh, gắn liền với vua (theo quan niệm phong kiến), biểu hiện ước mong mưa thuận gió hòa (dân gian). Trang trí trên bệ tháp, cấu kiện gỗ, đỉnh mái... Những di tích như chùa Dạm (Bắc Ninh), chùa Long Ðọi (Hà Nam)... 

trang tri 1
Rồng chạm đầu dư

trang tri 2
Rồng trang trí trên cửa

Con lân: Được gọi đầy đủ là kỳ lân (còn gọi là con nghê, con ly và dân gian gọi là con sấu). Hình tượng con Lân được định hình từ thời Lý và phát triển cho đến suốt thời Nguyễn. 

Kỳ lân là phát triển của long mã, biểu tượng cho sự kết hợp thời gian và không gian, cho sự an bình. Trang trí trên cấu kiện gỗ (gặp ở nhiều chùa), thành bậc (chùa Bà Tấm, Hà Nội), tượng tròn (chùa Phật Tích, Bắc Ninh).

trang tri 3
Tượng lân đá tại chùa Phật Tích 

Rùa: Gặp trong kiến trúc Phật giáo. Biểu trưng cho sự bền vững của xã tắc (trong phạm vi cung đình) và sự sống lâu, trường thọ (dân gian), Thường thấy sử dụng như con vật đỡ chân bia tại các chùa.

trang tri 4
Rùa đội bia

Chim Phượng: Ít gặp trong điêu khắc Phật giáo. Chim Phượng không gắn nhiều với Phật giáo mà chỉ tượng trưng cho điềm lành, mỗi khi xuất hiện thì báo hiệu đất nước thái bình, phồn thịnh, vẻ đẹp của phụ nữ... Thường được chạm khắc trên cốn, thành bậc, đầu dư, đầu đao...

trang tri 5
Đầu đao hình chim Phượng

Hoa sen: Từ thời Lý đã sử dụng hoa sen trong biểu tượng chùa Một Cột, bệ tượng Phật A Di Ðà chùa Phật Tích. 

Biểu hiện cho sự trong sạch thanh cao, biểu tượng cho sự thanh tịnh của Phật giáo. Ðỉnh tháp, chân tảng, bệ Phật, diềm bia.

trang tri 6
Trang trí hoa sen trên chân tảng

Hoa cúc:  Hoa cúc thời Lý Trần thường thể hiện với dạng dây lượn hình sin. Lúc đầu hoa cúc phổ biến ở Trung Quốc với biểu trưng Ðạo giáo, về sau ảnh hưởng vào Phật giáo như một biểu tượng bình dị, thanh cao, kín đáo và lâu bền.

trang tri 7
Trang trí hoa cúc chùa Phổ Minh

Lá đề: Cây Bồ đề biểu trưng cho sự đại giác của đức Phật, được sử dụng rất nhiều trong trang trí điêu khắc như vòm cửa chùa tháp thời Lý.

trang tri 8
Trang trí lá đề tháp Bình Sơn – Vĩnh Phúc

Hình cá: Tượng trưng cho sự giàu có, phồn thịnh hay gặp trong trang trí cấu kiện gỗ cùng sóng nước.

trang tri 9
Trang trí cá trên cốn gỗ

Con trâu: Hình tượng con trâu cũng xuất hiện từ thời nguyên thủy trong văn hóa Hòa Bình và hình tượng trâu còn thấy được ở kiến trúc Phật giáo là bắt đầu từ thời Lý.

Con trâu rất có ý nghĩa trong nhà Phật, thể hiện qua bức tranh thập mục chăn trâu. Tượng tròn (chùa Phật Tích), lan can đá (chùa Bút Tháp).

trang tri 10
Hình tượng con trâu lan can đá chùa Bút Tháp

Sư tử: Là đề tài trang trí phổ biến ở thời Lý hơn các thời sau này. Sư tử hí cầu nghĩa như vật bảo vệ giáo pháp. Có thể gặp tượng sư tử ở chùa Hương Lãng, bệ có 2 con sư tử đỡ ở chùa Bà Tấm. Các chòm lông và đuôi sư tử thường xoắn lại theo kiểu trôn ốc hoặc xòe ra.

trang tri 11
Sư tử đá đỡ bệ tượng chùa Bà Tấm

Con hổ: Nền văn hóa Đông Sơn cách đây dưới 2500 năm đã xuất hiện rất nhiều tượng hổ. Thời Trần bắt đầu xuất hiện tượng hổ.

Theo tín ngưỡng của dân ta thì hổ tượng trưng cho vị thần bảo vệ, trấn giữ các phương chống lại mọi tà ma, đảm bảo cho cuộc sống phát triển. Bệ đá tam bảo (chùa Đại Bi Hà Tây), chạm khắc trên kẻ (chùa Sơn Đồng, Hà Tây), hai bên tam quan (chùa Long Tiên Quảng Ninh).

trang tri 12
Phù điêu hổ chùa ông Bốn

Con ngựa: Thời Lý

Xuất hiện dưới dạng tượng tròn (chùa Phật Tích), lan can đá (chùa Bút Tháp). Theo Phật thoại, ngựa trắng khi không có người cưỡi là biểu tượng của Phật.

trang tri 13
Trang trí ngựa tưởng hồi chùa Hưng Ký

Nhạc công thiên thần (Gandharva): Thời Lý – Mạc, ảnh hưởng Ấn Độ giáo của người Chăm.

Thường gặp ở hình ảnh đoàn nhạc công tấu nhạc mừng Đức Phật đản sinh.

trang tri 14
Trang trí tại chùa Phật Tích

Nữ thần đầu người mình chim (Kinnarri): được sử dụng trong thời Lý đến Mạc, ảnh hưởng Ấn Độ giáo của người Chăm.

Có thể gặp ở những dạng tượng người chim chùa Phật Tích, chùa Long Đọi, nữ thần đầu người mình chim.

trang tri 15
Nữ thần đầu người mình chim chạm trên cốn gỗ chùa Thái Lạc

Tiên nữ (Apsara): Thời Lý – Mạc, ảnh hưởng Ấn Độ giáo của người Chăm.

Tiên nữ múa hát dâng hoa xuất hiện gắn liền với các sự kiện trong cuộc đời của đức Phật như đức Phật đản sinh, đắc đạo, nhập Niết Bàn… Điêu khắc trên cốn gỗ chùa Thái Lạc.

trang tri 16
Tiên nữ cưỡi Phượng chùa Thái Lạc

Chim thần Garuđa: Thời Lý – Mạc, hình tượng của Ấn Độ giáo sử dụng trong văn hóa Chăm.

Tiêu biểu cho sức mạnh và chân lý. Thường gặp ở tư thế nâng đỡ góc đền tháp và bệ tượng.

trang tri 17
Chim thần bệ tượng chùa Bối Khê

Bánh xe pháp luân: Sử dụng trong thời Nguyễn đến nay. Biểu tượng sự giác ngộ của Đức Phật và lần thuyết pháp đầu tiên của ngài. Trên mái các công trình, ví dụ như đầu đao chùa Quán Sứ.

trang tri 18
Bánh xe Pháp luân trang trí trên đầu đao viện Đại học Vạn Hạnh

Hồi văn chữ Vạn, chữ công: Thường thấy trên bờ nóc mái, diềm bia, chạm trổ cửa.

trang tri 19
Chữ Vạn cách điệu cửa chùa Nành – Gia Lâm

Chữ Thọ, Hỉ: Thường sử dụng là cửa sổ, trang trí cửa đi cách điệu.

trang tri 20
Cổng chùa Hưng Ký – Chữ Thọ cách điệu

Con người: Người đỡ tòa sen chùa Dương Liễu thời Mạc. Vua đỡ bệ tượng Phật chùa Hòe Nhai.

trang tri 21
Chạm người chùa Thái Lạc

Các mô típ trang trí thường gặp và đề tài trang trí phức hợp:

Lưỡng long triều nhật (lưỡng long chầu nguyệt): sử dụng và phát triển từ thời Nguyễn về sau. Rồng chầu hoa cúc, hoa hướng dương đều là các dạng của lưỡng long triều nhật ý nghĩa cầu trời mưa, hình tròn có ngọn lửa tượng trưng cho sấm sét, nguồn nước, mang đến mùa màng tươi tốt… Hoa cúc và hoa hướng dương cũng được sử dụng tượng trưng cho mặt trời.

trang tri 23
Mô típ lưỡng long triều Nhật trên bờ nóc

Cá hóa rồng: thường gặp thời Nho học thịnh đạt, thời Nguyễn. Gợi nhớ đến sự đỗ đạt trong các kỳ thi và được Vua phong chức tước. Đây là một minh chứng cho việc ảnh hưởng sâu sắc của trang trí đề tài Nho học và Phật giáo.

trang tri 24
Cá hóa long bằng gốm thường gặp ở đình chùa miền Nam

Rồng hoa lá, rồng hóa cây…: Rồng thường thấy trong mô típ trang trí này là rồng hoa lá, rồng hóa cây hoặc cây hoa rồng, dây lá hóa rồng.

trang tri 24
Mô típ rồng hóa cây

Ngư long hí thủy: Rồng và cá chép vờn nhau trong sóng nước. Mô típ trang trí khá phổ biến trong trang trí đình chùa Bắc Bộ.

trang tri 25
Trang trí trên cốn

Phúc khánh, Phúc thọ, Ngũ phúc: Hình con dơi ngậm chiếng khánh có tua có nghĩa là hạnh phúc và sung sướng. Hình con dơi kết hợp với chữ thọ biểu tượng cho sự hạnh phúc và trường thọ. Năm con dơi trên một bức chạm, tượng trưng cho sự chúc tụng đầy đủ nhất.

trang tri 26
Trang trí ngũ phúc trên cánh cửa

Bát bảo: Gồm bầu, tháp bút, quạt vả, ống tiêu, giỏ hoa, cây kiếm, khánh, phất trần.

Là các trang trí mang tính chất Đạo giáo, đôi lúc được sử dụng trong trang trí một số công trình chùa chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Quốc như chùa Hoa, chùa người gốc Hoa sử dụng…

trang tri 27
Kiếm và quạt trong trang trí chùa ông Bổn

Bát quả gồm đào, lựu, mận, lê, phật thủ, nho, bầu bí

trang tri 28
Trang trí trên lan can chùa Vạn Niên, Tây Hồ, Hà Nội

Tứ quý: gồm mai, lan, cúc, trúc

Thường gặp kết hợp mai điểu, mai hạc, lan điệp, cúc điệp, trúc tước, trúc yến hoặc trúc hổ.

trang tri 29
Trang trí cúc điệp trên cánh cửa

Tứ thời: gồm mai, sen, cúc, tùng.

Đồ án trang trí là mai điểu, liên áp, cúc điệp, tùng lộc hay tùng hạc. Trong trang trí chạm khắc các chi tiết kiến trúc như cửa võng, cánh cửa…

trang tri 30

Trang trí tùng hạc trên cánh cửa

Hoa sen kết hợp với hoa cúc: Thường gặp ở thời Lý. Tượng trưng cho âm dương giao hòa. Thường gặp ở trang trí diềm bia, chạm khắc trang trí trên tháp cổ.

trang tri 31
Trang trí hoa văn tháp Phổ Minh

Mây trời, sóng nước: Thời Lý, Trần. Thường gặp ở trang trí hoa văn tháp cổ, bệ tượng Phật thời Lý.

trang tri 32
Sóng nước trên chân bệ tượng chùa Phật Tích

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2025

La Hầu, Kế Đô - Có phải hai vì tinh quân chiếu mệnh?

 

Từ chỗ thiếu tự tin và không nhận thức đầy đủ các qui luật cuộc sống, một số người đã biến tương lai thành cánh bèo trôi trên dòng số phận. Và đó là mảnh đất màu mỡ để những tín điều dị đoan nảy nở và phát triển.

Thuật xem sao chiếu mệnh

Có rất nhiều thuật chiêm bốc khác nhau tồn tại trong dân gian từ lâu đời, trong đó xem sao là một trong những cách bói toán thuộc loại thịnh hành nhất. Thuật xem sao cho rằng, có 9 vị Tinh quân (Cửu diệu Tinh quân) lần lượt chi phối đến mỗi người theo chu kỳ nhất định. Cửu diệu Tinh quân gồm: Thái dương (Mặt trời), Thái âm (Mặt trăng), Thổ đức (Thổ tinh), Thủy diệu (Thủy tinh), Mộc đức (Mộc tinh), Thái bạch (Kim tinh), Vân hán (Hỏa tinh), La hầu và Kế đô. Mỗi Tinh quân "chiếu" vào một tuổi, đem theo điều cát hung, may rủi, trong đó La hầu và Kế đô là hai vị hung tinh đáng sợ nhất.

La hầu "chiếu mệnh" nam giới vào những tuổi: 19, 28, 37, 46, 55, 64, 73, 82, 91, 100... nữ giới vào các tuổi: 15, 24, 33, 42, 51, 60, 69, 78, 87, 96... Kế đô làm chủ nam giới vào các tuổi: 16, 25, 34, 52, 61, 70, 79, 88, 97... nữ giới vào các tuổi: 19, 28, 37, 46, 55, 64, 73, 82, 91, 100...

Cách giải sao xấu

Các thầy bói "phán bảo" những ai đến năm La hầu Tinh quân hay Kế đô Tinh quân "làm chủ" thì: "La hầu, tháng bảy, tháng giêng/ Coi chừng kẻo gặp tai khiên đến mình"; "Kế đô sao ấy đến kỳ/ Tháng ba, tháng chín sầu bi khóc thầm"! Nhiều thầy còn nói xưng xưng đủ điều tai ách đang chờ ở phía trước khiến các tín chủ cứ gọi là sợ đến kinh hồn, bạt vía!

Những ai gặp năm sao La hầu chiếu thì đến ngày 18 hàng tháng phải sắm một mâm lễ, gồm nhiều lễ phẩm trong đó không thể thiếu một bài vị bằng giấy màu vàng ghi: Thiên cung Thần thủ La hầu Tinh quân, 9 ngọn nến. Người ta ngồi quay về hướng bắc cúng từ 9 đến 11 giờ đêm.

Nếu là sao Kế đô chiếu, thì cứ ngày 18 hàng tháng phải tiến hành cúng lễ như trên. Bài vị bằng giấy màu vàng ghi: Thiên cung Thần vỹ Kế đô Tinh quân , thắp 21 ngọn nến, quay về hướng tây khấn vái. Người ta tin cách "giải sao xấu", "tiễn sao xấu" đó có thể làm giảm bớt hay tiêu trừ những rủi ro từ hai vị Tinh quân này mang đến!

Nhưng không ít người vẫn nơm nớp lo sợ "án binh bất động", chẳng dám làm gì lớn, đi đâu xa cả một năm trời.

Sự thực về hai vì hung tinh La hầu, Kế đô

Các nhà khoa học định nghĩa thuật chiêm tinh là một "khoa học giả hiệu", nó luôn lợi dụng các hiện tượng thiên văn, từ đó đưa ra những dự đoán có vẻ mang màu sắc khoa học, như những ảnh hưởng của điện trường, từ trường của những hành tinh đến sự sống...

Thực chất, cái tên La Hầu và Kế Đô xuất hiện trong thần thoại Ấn Độ cổ đại, đó là câu truyện kể về cuộc đấu tranh giữa các vị thần linh với ác quỷ để dành lại bảo vật. Với lòng hận thù, con Quỷ La hầu và Kế đô tìm cách nuốt thần Mặt trời và Mặt trăng mỗi khi chúng gặp, do đó có hiện tượng Nhật, Nguyệt thực, dân gian gọi là "Gấu ăn Trăng", bởi vậy mới có tục gõ xoong nồi, thúng mủng... mỗi khi có thiên thực. Sau khi được du nhập vào Trung Hoa, La hầu và Kế đô hợp với 5 hành tinh và nhật, nguyệt trở thành Cửu diệu Tinh quân trong điện thần đạo Giáo.

Bên cạnh ý nghĩa về phương diện tôn giáo, La hầu, Kế đô còn là thuật ngữ trong Thiên văn, lịch pháp Á Đông cổ xưa. Sách Sử học bị khảo - quyển 1: Thiên văn khảo của Đặng Xuân Bảng viết: "Tính nhật nguyệt thực nên tìm 2 giao của La hầu Kế đô, là chỗ 2 đường hoàng đạo bạch đạo giao nhau, chính giao là La, trung giao là Kế" (trang 132). Đoạn khác viết: "La, Kế là chỗ hoàng đạo bạch đạo giao nhau, tính nhật thực nguyện thực, nên tính La Kế" (trang 145). Sách còn cho biết, La hầu còn được gọi là Thiên thủ (Đầu trời), Kế đô còn được gọi là Thiên vỹ (Cuối trời).

Mặt trăng cũng di chuyển trên thiên cầu theo một vòng nhất định quanh Trái đất gọi là Bạch đạo, chu kỳ này hết 27,32 ngày. Hoàng đạo và Bạch đạo không nằm trên một mặt phẳng mà chúng nghiêng trên nhau một góc 509' tạo ra 2 giao điểm, nơi mà Bạch đạo và Hoàng đạo gặp nhau. Do Trái đất chuyển động quanh Mặt trời, nên 2 giao điểm này cũng chuyển động.

Khi Mặt trăng di chuyển đến giao điểm ấy vào lúc xung đối (ngày vọng) sẽ xảy ra nguyệt thực, và nếu là lúc giao hội (ngày sóc) sẽ xảy ra nhật thực, vì đó là thời điểm cả 3 thiên thể cùng nằm trên một đường thẳng.

Như vậy, La hầu và Kế đô chỉ là 2 điểm phi vật thể trong không gian chứ không phải là những thiên thể, cho nên nó không phải là sao hay vì tinh tú như thuật xem sao chiếu mệnh nói. Mặt khác, nó di chuyển theo những chu kỳ nhất định liên quan đến việc tính toán nhật nguyệt thực trong lịch pháp. Không thể và không bao giờ có một điểm phi vật thể trong vũ trụ lại có ảnh hưởng, tác động đến sự sống trên Trái đất, hoặc chi phối tới từng con người, đem đến những bất hạnh, đau buồn và tai vạ cả.

Tự tin, chăm chỉ và sáng tạo trong lao động là bí quyết của mọi sự thành công. Số phận nằm trong tay mỗi chúng ta, đừng để những niềm tin huyễn hoặc dẫn dắt. Có một học giả phương Tây nói rằng: gieo một hành vi sẽ gặt một thói quen, gieo một thói quen sẽ gặt một tính cách, gieo một tính cách sẽ gặt một số phận. Và đại thi hào Nguyễn Du sau khi "trải qua một cuộc bể dâu", đã phải thốt lên rằng:

"Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ Tài".

Thứ Tư, 31 tháng 1, 2024

Tục lệ đáng yêu của ngày Tết (Bài viết của Thạch Lam hơn 80 năm trước)( Nguồn từ Chuyenxua.net)

 Những tục lệ cổ truyền từ bao đời của người Việt trong ngày tết, hầu như người Việt nào cũng biết tới, qua ngòi bút của Thạch Lam càng trở nên thi vị và đáng yêu vô cùng. Bài này được Thạch Lam viết vào một dịp Tết từ hơn 85 năm trước, đăng trên tạp chí Ngày Nay số Xuân 1939. 

HÁI LỘC Hai chữ “ăn tết” của ta nghĩa đã rõ rệt lắm: mấy ngày tết là ngày của cái miệng, những ngày đầy các món ăn ngon, các thứ mứt thơm, rượu ngọt và bánh chưng mới. Những ngày tết còn nhiều thi vị khác nữa; cái thú sum họp của gia dình, những đêm thức khuya nói chuyện, những tục lệ xinh xắn và rất có duyên. Có một tục lệ xinh đẹp ý nhị nhất mà năm nào chúng ta cũng phải nêu diễn lại: đi hái lộc. Bởi vì một cành lá tươi hay một búp mầm non, ấy là tất cả mùa xuân mới vui vẻ và may mắn mà chúng ta đem về. Trong cái với tay ấy, có cả một hy vọng vui đẹp, cả cái liên lạc mật thiết của người với cây cỏ xung quanh. Những năm gặp giờ xuất hành tốt về đêm, người ta đi hải lộc lúc khuya đề về còn xông nhà. Trong đêm tối dầy hương thơm ngát, các đình chùa là nơi hội họp: lòng hòa tín-ngưỡng với tình yêu, khói hương hòa lẫn với khói pháo. Thật là vui vẻ, ấm cúng và hiền từ. Ngày lễ Noël, người ta đi nhà thờ dự lễ, rồi trở về ăn tiệc. Sao chúng ta không đi hái lộc đêm ba mươi thật đông và thật vui, rồi trở về đem cành xuân điểm thêm vào bữa ăn thân mật của gia đình? 

Đó là một tục lệ xinh đẹp và ngây thơ, làm tươi thắm linh hồn và khiến cho chúng ta trẻ lại. 

TIỆC GIAO THỪA Thuở nhỏ, khi tôi làng nghe tiếng pháo giao thừa từ nhà này trả lời nhà khác trong đêm tối, tôi vẫn nghĩ mùa xuân bây giờ mới được chính thức công nhận, mới được mọi người ân cần mời mọc vào nhà. Rồi quanh mâm cỗ đầu năm mới, tôi thấy cảnh gia đình đấm ấm và thân mật quá. Nhưng cái vui đón xuân chỉ vui riêng từng gia đình một. 

Sao chúng ta không mời các bạn thân, – nhất là các bạn xa nhà – đến cùng dự cái vui đó? Tôi muốn thấy mở rộng phạm vi buổi giao thừa ra ngoài ngưỡng cửa, bỏ những điều kiêng kỵ phiền phức đầu năm, để bữa tiệc đêm hôm ấy có thể hội họp được đông đủ các người quen xung quanh một bàn đầy hoa đẹp. Hẹn nhau đi hái lộc, rồi cùng nhau trở về uống rượu mừng năm mới; nhà nọ mời, nhà kia đến dự tiệc, người trong gia đình với bạn hữu, có phải cái vui được đầy đủ và rộng rãi hơn không? 

BÁNH CHƯNG Gói bánh chưng là cái tục lệ cũ kỹ nhất của ngày tết, và cũng là cái tục lệ nhiều ý vị nhất của chúng ta. Ồ, chiếc bánh chưng vuông vắn và đầy dặn, mầu xanh như mạ non, gạo nhiễn ra như bông tuyết và giữ trong lòng bao nhiêu quý báu của miếng ngon: lượt đậu mịn và vàng đậm, những miếng mỡ trong như hổ phách, những miếng nạc mềm lấm tấm hạt tiêu. Và thoang thoảng một chút mùi cà cuống, gắt như cô gái chua, sắc như mùi kim lạnh. Biết bao nhiêu kỳ thú và bao nhiêu khí vị lạ lùng! Bánh chưng, cái cốt yếu của ngày tết chính là lương đống của buổi giao thừa. Cho nên nhà giàu hay nhà nghèo cũng đều phải có: nếu không có thì bữa tiệc xuân thành ra nhạt nhẽo mất vui. Bánh chưng đổi với tết ta cũng như ngỗng quay đối với Noël. Không ai muốn thiếu món ăn chính đó. Đối với nghèo, ở bên Anh (là nơi mà nhiều tục lệ cứ còn được giữ một cách trân trọng) người ta lập ra những “hội ngỗng” (Goose Club). Đó là một hội có từ lâu đời, và chỉ có mục đích là dành sẵn cho những kẻ ít tiền mà không biết lo xa một con ngỗng rất non ăn ngày lễ. Góp một số tiền rất nhỏ, trong mười ba tuần lễ thế là người trong hội chắc chắn đã có ngỗng đề phần mình. Và nếu góp phụ thêm một chút nữa, thì lại được hai chai rượu tốt mang đi. Nhưng có những người nghèo hơn nữa, hay không biết lo xa mà vào hội – Những người đó chiều hôm ấy chen nhau đứng chực ở các cửa hiệu lớn bán thức ăn: ở đây người ta treo từng dẫy hàng ngàn con ngỗng đã quay rán sẵn sàng. Bọn người kia đợi cho chủ hàng tiếp khách sang xong. Người ta bán rất đắt cho kẻ nhiều tiền, nhưng xong rồi, bao nhiêu ngỗng đều hạ giá rắt thấp cho người nghèo. Đó là một cử chỉ từ thiện trong ngày lễ. Bên ta cũng có những hội gọi là “hội bánh chưng”. Người chơi hội mỗi ngày đóng một xu, hay một tháng ba hào, đề cuối năm lĩnh một tá bánh chưng với ba bốn cân giò. Như thế cũng tạm đủ đề cái tết được tươm tất. Nhưng còn bao nhiêu người nghèo kiếm gạo ăn cũng chưa đủ? Còn bao nhiêu kẻ khốn khó lang thang trên lề đường của thành phố, mà những tiếng kêu xin thảm đạm nổi lên các buổi chiều? Họ ăn tết ở đâu, về ở đâu? Hỡi bạn đọc yêu quy, trong ngày tết này, bạn có nhà cửa, bạn có một gia đình, đoàn tụ hưởng thức ăn ngon và nóng, bạn nên nghĩ đến những người nghèo khổ quanh mình. Bạn nên thương người và rộng lượng: bạn cho đi, làm phúc đi, không tính toán không ngần ngại. Cái tết của bạn chẳng vui vẻ hơn ư vì bạn đã giúp đỡ mấy cảnh nghèo? 

                                                             THẠCH-LAM

                                                      Nguồn chuyenxua.net.

Trang trí trong kiến trúc truyền thống

Trong các công trình kiến trúc gỗ truyền thống tại Việt Nam nhất là đối với các công trình mang yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng như: đình, đền...