Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Thư gởi phụ huynh đầu năm: hãy dạy con tự học và thương người

TTO - Hãy dạy con năng lực tự học, đó là 'vua' của mọi kỹ năng. Hằng ngày hãy dạy con biết quan tâm giúp đỡ người khác thay vì chỉ biết lo cho mình, giúp cháu nuôi dưỡng lòng nhân ái, tính hào hiệp và biết sống vì mọi người...

Thư gởi phụ huynh đầu năm: hãy dạy con tự học và thương người - Ảnh 1.
Cùng con đến trường. Trước mắt con là cả chặng đường dài đến tương lai - Ảnh: NHƯ HÙNG
Nhân dịp đầu năm học mới, tôi xin gửi tới quý phụ huynh vài dòng chia sẻ về việc dạy dỗ con em chúng ta:
Cho con cơ hội được trưởng thành
Mong phụ huynh đừng nuông chiều con thái quá, như vậy là tước đi quyền được trưởng thành của con. Quyền được thất bại, được sai lầm để học bài học trưởng thành là quyền của các cháu.
Phụ huynh đừng thương con đến mức không để con làm việc gì. Hãy dạy cháu tự mang cặp đến trường, hãy dạy cháu biết trồng cây, rửa chén, lau nhà và hãy để cháu tự đứng dậy từ chính nơi vấp ngã... Cháu muốn chiên trứng cứ mạnh dạn để cháu làm. Cháu có thể làm hư một lần, nhưng vài lần thì chắc chắn sẽ làm được.
Trao cho con năng lực tự học
Hãy giúp các cháu phát triển tư duy, trau dồi năng lực tự học, tự nghiên cứu và khám phá những kiến thức mới. Vì khi con đã có năng lực tự học thì cha mẹ sẽ bớt nhọc công trong việc dạy dỗ hơn rất nhiều.
Khi con hỏi, đừng vội trả lời ngay mà hãy nhẹ nhàng hỏi ngược lại. Chúng ta sẽ bất ngờ vì ý tưởng của con mình đấy. Quan trọng nhất là hãy tạo cho các cháu thói quen đọc sách và hãy để văn hóa đọc thấm sâu trong nếp sống của gia đình. 
Bằng mọi cách, hãy trao cho cháu kỹ năng tự học. Bởi vì tự học là vua của mọi kỹ năng, đó là nền tảng để cháu có thể phát triển bản thân và thành công mai sau.
Thư gởi phụ huynh đầu năm: hãy dạy con tự học và thương người - Ảnh 2.
Hãy dạy cho con năng lực tự học, đó là "vua" của mọi kỹ năng - Ảnh: NHƯ HÙNG
Dạy con tấm lòng nhân ái
Mong các bậc phụ huynh hãy dạy cho cháu có thái độ tôn trọng và dịu dàng với những người khó khăn, người bán hàng rong, người ăn xin hay những người quét rác bên vệ đường. Đôi khi chỉ một lời động viên từ trái tim cũng khiến người khác rơi nước mắt vì hạnh phúc.
Hãy hướng dẫn các cháu làm việc thiện từ những điều rất nhỏ, cháu sẽ học được bài học sâu sắc về tình thương vô điều kiện vốn là điều hiếm hoi trong thời đại ngày nay. Hằng ngày hãy dạy cho cháu biết quan tâm giúp đỡ người khác thay vì chỉ biết lo cho mình, điều đó sẽ giúp cháu nuôi dưỡng lòng nhân ái, tính hào hiệp và biết sống vì mọi người.
Lòng nhân ái hay đạo đức là nền tảng của mọi đức hạnh, là nền tảng của hạnh phúc.
Hãy hướng dẫn các cháu làm việc thiện từ những điều rất nhỏ, để học bài học sâu sắc về tình thương vô điều kiện vốn là điều hiếm hoi trong thời đại ngày nay. Hằng ngày hãy dạy cho cháu biết quan tâm giúp đỡ người khác thay vì chỉ biết lo cho mình. Điều đó sẽ giúp cháu nuôi dưỡng lòng nhân ái, tính hào hiệp và biết sống vì mọi người.
Nhà giáo Trần Việt Quân
Cho con tiếp xúc với thiên nhiên
Hãy tạo điều kiện để các cháu thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên, sống thật hơn với thế giới xung quanh thay vì đắm chìm trong iPhone, iPad. Hãy mạnh dạn cho cháu chạm vào những cây rừng, những bông hoa hay dòng suối mát. Hãy cho cháu thấy đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn cá bơi lội dưới sông hay những chú dê đang tung tăng trên đồng cỏ. Hãy cho cháu được chạy chân không, tắm mưa hay lội bùn để cháu được ôm ấp bởi mẹ thiên nhiên vĩ đại.
Hãy thường xuyên đưa cháu đi tham dự các lễ hội, sự kiện văn hóa, tham quan viện bảo tàng để cháu có thêm nhiều trải nghiệm. Một đứa trẻ được lớn lên như thế chắc chắn sẽ trở thành một con người khỏe mạnh, cởi mở, bao dung và biết yêu thương muôn loài.
Làm gương cho con từ việc nhỏ
Cha mẹ hãy làm gương cho các cháu. Con cái luôn nhìn vào cách hành xử của người lớn để bắt chước, học theo. Nếu cha mẹ xem tivi khi ăn cơm con sẽ học theo. Nếu cha mẹ lướt điện thoại con cũng lướt theo. Ngược lại, nếu cha mẹ tắt điện thoại, cùng trò chuyện với con hay đọc sách trước khi ngủ, con cũng làm vậy.
Có những cháu bật khóc ở cổng trường chỉ vì bố vượt đèn đỏ không như cô giáo dạy cháu ở trường. Hãy giúp giáo viên bằng cách làm gương và tập cho cháu những hành vi và thái độ mà phụ huynh muốn thấy ở con mình. 
Cha mẹ biết làm gương cho con, biết quan tâm và thấu hiểu sẽ tạo nên những đứa trẻ biết lắng nghe, trưởng thành và đầy tích cực.
Ứng xử ôn hòa khi dạy con
Mong phụ huynh hãy dạy các cháu trong ôn hòa. Nếu dạy cháu bằng roi vọt hay quát mắng, đánh đập thì một là cháu sẽ trở nên sợ sệt nhút nhát, hai là sẽ trở nên ngông cuồng, bất cần, dễ gây hấn với người khác, dần dần sẽ khiến cháu mất phương hướng, cảm thấy thế giới này thật đáng ghét và tệ hơn là mất đi sự kết nối với cha mẹ.
Con cái cần cảm xúc ôn hòa để hàm dưỡng và chỉ khi cha mẹ nhìn thấy ưu nhược điểm của con nhưng vẫn xem như bình thường, thì mới có thể bình tĩnh dạy con đúng đắn được. Ai cũng thiếu sót cả, quyền của con là được phép sai lầm và nhiệm vụ của cha mẹ là giúp con trưởng thành.
Nghệ thuật làm cha mẹ là có thể giữ gìn cảm xúc ôn hòa của mình với con. Chỉ khi tâm trạng của con bình ổn thì con mới là chính mình, mới trở nên dễ thương và đầy tử tế.
Bình tĩnh trước việc không như ý
Gần đây có nhiều thông tin xôn xao dư luận về một số sự việc xảy ra ở các trường học, có lẽ ít nhiều phụ huynh đã có những bức xúc. Xin hãy tin rằng ở đâu đó những người làm giáo dục chân chính vẫn đang ngày đêm trăn trở và hành động, những điều tử tế vẫn đang kết trái, đơm hoa.
Là một phụ huynh chân chính, mong quý vị hãy có thái độ bình tâm trước những việc như ý cũng như bất như ý, đừng để bị cuốn theo cảm xúc, dư luận..., bởi điều đó sẽ làm chúng ta mất rất nhiều năng lượng.
Khi gặp chuyện bất như ý về trường hay về giáo viên, mong phụ huynh thay vì vội vàng buộc tội, hãy bình tĩnh lắng nghe, tìm hiểu đa chiều về sự việc ấy. Bởi có những chuyện thấy vậy mà không phải vậy. Hãy cùng đứng về phía giáo viên, chung tay với giáo viên để cùng giải quyết vấn đề trên nền tảng của sự tôn trọng, hiểu biết và yêu thương.
Nếu phụ huynh chung tay với giáo viên, con quý vị sẽ học tập tốt hơn và trưởng thành hơn. Nhà và trường là một, giáo viên và phụ huynh là một. Vì giáo viên và phụ huynh đều đứng về phía các cháu, là cha mẹ ở trường và ở nhà của các cháu.

Buổi họp phụ huynh cả mẹ lẫn con đều khóc

TTO - Một buổi họp phụ huynh mà giáo viên đóng vai trò kết nối phụ huynh - học sinh, nhắc nhớ về giá trị gia đình và qua đó giúp cha mẹ - con cái hiểu nhau nhiều hơn. Có người đã bật khóc...

Buổi họp phụ huynh cả mẹ lẫn con đều khóc - Ảnh 1.
Phụ huynh và học sinh trong mỗi “gia đình” thảo luận về các từ khóa tạo nên hạnh phúc gia đình - Ảnh: V.H.
Đó là những gì diễn ra trong buổi họp phụ huynh đầu tiên của lớp 10D2 Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) do cô Nguyễn Kim Anh, giáo viên chủ nhiệm, tổ chức.
Cô làm cầu nối cho học sinh "thể hiện"...
Trong phần họp chung, cô Kim Anh dành phần lớn thời gian để các phụ huynh chứng kiến thành quả của các con đã đạt được. Trong đó có các sản phẩm của bài dạy "Nếp nhà" với đề bài "Gấp tủ quần áo". Những hình ảnh trước và sau của tủ quần áo mà học sinh được hướng dẫn làm đã khiến các phụ huynh bật cười. "Nó thay đổi từ hôm vào trường làm tôi cũng ngạc nhiên" - một bà mẹ chia sẻ về con trai.
Cô chủ nhiệm cũng công bố "Lời con muốn nói" được học sinh trong lớp viết. Cô giấu tên, chỉ công bố nội dung. Nhiều học sinh hứa sẽ cố gắng học tốt. Nhưng cũng có bạn viết: "Cha mẹ đừng thu iPad của con được không?", hay "Con muốn tự đi xe đến trường", hoặc "Con đã lớn rồi, con nghĩ cha mẹ cũng nên để con quyết định vài việc trong nhà"...
Cô Kim Anh cho biết có những học sinh đồng ý cho cha mẹ biết mình đã viết gì, cũng có bạn không muốn tiết lộ và cô là người giữ bí mật. Nhưng cô sẽ tìm cách làm "cầu nối" để cha mẹ có thể hiểu điều con muốn nói. Dĩ nhiên có những điều "muốn nói" không phù hợp thì đã được cô giáo trao đổi riêng với các bạn học sinh.
...Và cha mẹ - con cái "nhận ra" nhau
Một phần đặc biệt của buổi họp phụ huynh do cô Kim Anh và cô Lan Anh cùng trường tổ chức. Phụ huynh và học sinh cùng bước vào một phòng lớn, được dán lên ngực hình một con vật ngộ nghĩnh. Phụ huynh và học sinh sẽ tìm "gia đình" của mình theo hình con vật trên ngực. Và ngẫu nhiên nhiều người chưa quen biết trở thành một "gia đình".
Từ đây, mỗi "gia đình" được phát một tờ giấy khổ lớn có hình bông hoa năm cánh. Mỗi cánh hoa sẽ là một từ khóa về hạnh phúc theo quan điểm được bàn bạc thống nhất trong mỗi "gia đình". Từ các câu chuyện, tình huống được trình chiếu trên màn hình, các "gia đình" chọn từ khóa cho nhóm mình.
Nhiều từ khóa đi tìm hạnh phúc gia đình như lạc quan, hài lòng (với những gì mình có), nỗ lực, thấu hiểu... được viết ra. Một cuộc bàn luận sôi nổi giữa các phụ huynh với nhau, phụ huynh với học sinh diễn ra.
Khá nhiều nhóm "gia đình" đã chọn các từ khóa: yêu thương, biết ơn, tôn trọng... và những băn khoăn được tìm lời giải chung như "Thế nào là thành công? Thành công có đồng nghĩa với hạnh phúc không? Hạnh phúc là gì?".
Nhiều người đã cho rằng muốn thành công cần có kiến thức, kỹ năng, có năng lực để vượt qua thách thức. Nhưng để hạnh phúc thì phải biết chấp nhận, đón nhận điều sẽ đến, biết tự điều chỉnh bản thân và biết yêu thương, chia sẻ.
Một phần trò chơi đặc biệt được tổ chức ngay trong buổi này. Những người bất kỳ (phụ huynh hoặc học sinh) được phát băng đeo che mắt. Tất cả đứng trong một vòng tròn mà người bịt mắt được một người bên cạnh mà mình không biết dẫn đi vòng vèo, lúc bước thấp, lúc cao, lúc chui qua khe hở... Có những phụ huynh, học sinh đã khóc trong trải nghiệm này.
"Tôi mất mẹ từ sớm, chỉ còn cha. Ngày thường cha tôi vẫn cố làm lấy mọi việc, không muốn phiền con cái nên chúng tôi cũng thấy bình thường. Nhưng hôm nay khi bị che mắt, cảm giác bất lực khi không thấy gì và phải lệ thuộc hoàn toàn vào người khác khiến tôi lần đầu tiên cảm nhận khó khăn của người cha khi chỉ có một mình" - một phụ huynh chia sẻ.
Quỳnh Anh, học sinh lớp 10D2, tâm sự: "Khi con không nhìn thấy gì và được bàn tay người khác dẫn đi dò dẫm từng bước, con đã nghĩ nhiều đến cha mẹ".
Một học sinh khác là Đỗ Hương Giang chia sẻ em ở trong đội hỗ trợ tổ chức trò chơi, không bị bịt mắt nhưng em nhìn thấy các bạn bị bịt mắt và phụ huynh tận tình nắm tay, chỉ dẫn từng bước đi hoặc phụ huynh được các bạn giúp đỡ là một trải nghiệm đặc biệt.
"Từng cặp phụ huynh - học sinh giúp nhau trên đoạn đường vòng vèo, lúc bước thấp, lúc cao, lúc chui qua khe hở... khiến con liên tưởng về những gì bố mẹ đã làm cho mình. Ý nghĩ ấy làm con xúc động và biết ơn" - Hương Giang chia sẻ.
Buổi họp phụ huynh kết thúc, nhiều phụ huynh làm quen với nhau, chia sẻ với nhau về con cái. Có phụ huynh thừa nhận lâu rồi chỉ "nói chuyện" với con bằng mệnh lệnh vì quá bận rộn và những cơ hội như thế này mới cảm thấy gần con hơn.

Trung thu đã rời xa tôi?

Dựa trên một câu chuyện có thật chưa được xác minh.

Mẹ ơi, cứu con!

Mẹ tìm người "học thuê" cho con với.

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2019

'Hãy học để làm người tốt, đừng chỉ học để lấy tri thức'

TTO - 'Hãy học để làm người tốt chứ đừng nghĩ chỉ học để lấy tri thức. Hãy tôi rèn đạo đức, rèn luyện nhân cách để những người đi trước như chúng tôi có thể tự hào vì đã trông đợi vào các bạn', chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhắn nhủ.

Hãy học để làm người tốt, đừng chỉ học để lấy tri thức - Ảnh 1.
Ông Phan Ngọc Thọ, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trao thưởng cho các học sinh có thành tích xuất sắc năm học 2018-2019 - Ảnh: NGỌC MINH
Trước thềm năm học mới, ông Phan Ngọc Thọ - chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - đã viết một bức tâm thư gửi đến toàn thể thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh trên toàn tỉnh. Bằng lời lẽ gần gũi, bức thư được đông đảo người dân Huế hưởng ứng.
Trong bức thư, vị chủ tịch tỉnh luôn nhắc đến việc xây dựng "Giấc mơ Huế". Theo ông Thọ, "Giấc mơ Huế" rất đơn giản, đó là giúp Huế trở thành một vùng đất bình yên, trong lành, người dân có một cuộc sống sung túc và có một chính quyền thân thiện. 
Một Huế xanh - sạch - sáng, một Huế phát triển nhanh và bền vững về kinh tế trên cơ sở giữ được văn hóa, cốt cách của con người xứ Huế. Từ đó ngành giáo dục Huế đang cố gắng để giáo dục cho học sinh Huế về một cái nhìn tích cực hơn, năng động hơn trong ứng xử, giao tiếp. 
Một thế hệ học sinh mới phải giỏi ngoại ngữ và có kỹ năng giao tiếp. Một thế hệ học sinh phải biết bảo vệ môi trường, có trách nhiệm cao hơn với những người xung quanh... Tuy không cần phải gò bó như ngày xưa nhưng những nhân cách, ứng xử lễ phép cơ bản của con người, đặc biệt con người Huế cần phải duy trì cho học sinh.
Hãy học để làm người tốt chứ đừng nghĩ chỉ học để lấy tri thức. Hãy tôi rèn đạo đức, rèn luyện nhân cách để những người Huế đi trước như chúng tôi có thể tự hào vì đã trông đợi vào các bạn - những người xây đắp giấc mơ Huế".
Ông Thọ nhắn nhủ học sinh.
Ông Thọ cũng mong muốn thế hệ học sinh phải là những người tiên phong trong việc bảo vệ môi trường. 
"Các em hãy là những tấm gương tốt để mọi người có thể soi vào cùng làm theo. Các em hãy nhặt một cọng rác để thêm một bạn nhặt rác và bớt đi một người xả rác. Các em hãy làm tốt hơn nữa trong việc động viên gia đình, động viên bạn bè trong việc xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một vùng đất xanh - sạch - sáng" - ông Thọ chia sẻ.
Về tầm nhìn xa hơn, chủ trương của tỉnh sẽ tăng cường, rà soát lại để có những chương trình giảng dạy, rèn luyện đạo đức lối sống cho học sinh trong nhà trường thực sự đảm bảo chất lượng và thực tiễn. 
Việc này phải làm thường xuyên liên tục, ngày nào cũng nhắc, ngày nào cũng nêu để học sinh được "mưa dầm thấm lâu", không phải chỉ dạy cho đủ tiết, cho qua chuyện mà ngày nào, trước khi bắt đầu buổi học thầy cô cũng phải nhắc nhở, nói chuyện với chính học sinh của mình về đạo đức, về cách ăn nói, về giao tiếp...
"Gần nhất, chúng tôi đang chuẩn bị tổ chức một hội nghị đánh giá lại việc giáo dục đạo đức, lối sống ở cấp mầm non trên địa bàn tỉnh, để xem việc dạy đạo đức ở cấp nhỏ nhất, dễ dạy bảo nhất hiện nay như thế nào. Từ đó để tiếp tục kiểm tra xem ở các cấp học còn lại và có cách thay đổi cho phù hợp, kịp thời, không còn nói suông nữa" - ông Thọ cho biết thêm.

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2019

Tâm sự giáo viên: Nhà giáo đang chịu nhiều áp lực

Những người làm nghề giáo hiện nay không chỉ phải chịu đựng áp lực từ phía xã hội, từ ngành mà còn phải chịu áp lực từ phía phụ huynh và thậm chí là học sinh…
Ngày xưa, nghề giáo, đặc biệt là vị trí của người thầy rất được xã hội nể trọng. Họ luôn là người mực thước, mô phạm, có đủ tri thức để tiếp nối truyền thống giáo dục, sự nghiệp trồng người.
Nhưng thực tế, trong xã hội hiện đại thì vị trí và tình cảm của xã hội dành cho những người thầy đã giảm sút, thêm vào đó người thầy bị xã hội và cha mẹ học sinh đặt trên vai một nhiệm vụ nặng nề đó là giáo dục học sinh, con em của họ thành những con người tài giỏi, trí đức. Và sự kỳ vọng đó khiến trách nhiệm của người thầy trong bối cảnh hiện nay nặng nề hơn bao giờ hết.
Ảnh minh họa
Hiện nay, các thầy cô đứng lớp với đồng lương còn khiêm tốn nên gánh nặng cơm-áo-gạo-tiền và bao lo toan trong cuộc sống thường nhật là điều không thể tránh khỏi.
Tháng 8 vừa qua, nhà giáo chúng tôi xót xa về nghề của mình khi ở một số trường ĐH sư phạm có khoa tuyển được vài sinh viên, có khoa 1 sinh viên, thậm chí có trường có khoa không tuyển được sinh viên nào.
Bởi học sư phạm khó xin việc, lương thấp rồi còn phải chịu bao áp lực nên mới xảy ra tình trạng như vậy. Khi mà những vướng bận từ cuộc sống chưa được cởi bỏ, còn đó những lo toan thì họ cũng khó có thể đứng trên bục giảng bằng một tâm trạng thoải mái nhất với học trò của mình.
Mỗi năm, mỗi mùa Bộ GD-ĐT luôn yêu cầu giáo viên ra sức sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học nhưng phải bám chuẩn kiến thức kĩ năng; tham gia các cuộc thi giáo viên giỏi các cấp; đổi mới thi cử các kiểu… nên thầy cô dạy, trò học mà cứ như chạy đua đến bở hơi tai, nhiều lúc xoay xở không kịp.
Hiện nay nếu làm một phép thống kê về các loại hồ sơ sổ sách các thầy cô giáo đang phải thực hiện, nhiều người sẽ không khỏi giật mình. Ngoài những cuốn sổ truyền thống như giáo án, sổ điểm, sổ kế hoạch giảng dạy, sổ dự giờ, sổ chủ nhiệm thì nhiều nơi còn phát sinh các loại sổ như sổ hội họp, sổ mượn đồ dùng dạy học, sổ tích lũy kinh nghiệm, sổ học bồi dưỡng thường xuyên…
Những người làm nghề giáo hiện nay không chỉ phải chịu đựng áp lực từ phía xã hội, từ ngành mà còn phải chịu áp lực từ phía phụ huynh và thậm chí là học sinh. Một số phụ huynh do mải mê với công việc kiếm tiền mà giao phó toàn bộ việc dạy dỗ con mình cho giáo viên theo kiểu “Trăm sự nhờ thầy cô”.
Trong khi đó, thầy côít khi nhận được sự phối hợp, phản hồi từ phụ huynh trong việc quản lí và giáo dục con của mình. Cũng có phụ huynh, khi có chuyện gì xảy ra với con, chưa tìm hiểu kỹ nguyên nhân và đã tin ngay lời con nói mà quy trách nhiệm cho giáo viên, nghĩ sai, nghĩ xấu về các thầy cô cũng không phải là ít.
Hàng ngày thầy cô lên lớp lúc nào cũng lo sợ bởi áp lực từ dư luận của xã hội bởi vì nhỡ mình nói hay làm gì, thì dù là sai lầm nhỏ nhất cũng bị dư luận xã hội và cha mẹ học sinh lên tiếng, chỉ trích hết sức nặng nề mà chưa bao giờ nhận được sự thấu cảm, chia sẻ từ gia đình và xã hội.
Xã hội bây giờ phát triển nên có quá nhiều thú vui cuốn hút học sinh hơn việc học. Điều này đặt ra áp lực đối với những thầy cô đang trực tiếp giảng dạy là làm thế nào để học sinh không chán học, bỏ học; phải làm thế nào để dạy thật hay, thật chất lượng cũng là một điều không hề dễ dàng.
Trong năm học mới này, nhà giáo chúng tôi mong muốn rằng từ cấp Bộ đến cấp Sở, cấp trường thấu rõ tâm tư nguyện vọng của họ và tạo ra một môi trường sư phạm cởi mở để mỗi người thầy cô có thể mạnh dạn bộc lộ những lo âu, căng thẳng mà mình đang gặp phải để tìm tiếng nói chung, tìm được sự sẻ chia áp lực từ tập thể, các cơ quan đoàn thể và các cấp lãnh đạo.
Đáng buồn thay, thời gian vừa qua, ngành Giáo dục nước nhà ở một số địa phương để xảy ra các vụ việc giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh nhà giáo, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội. Nhưng đó là những “con sâu làm rầu nồi canh” khiến mọi người lo lắng về vị trí của người thầy trong xã hội.
Tuy nhiên những hiện tượng kể trên không thể làm xói mòn truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam bởi còn có hàng triệu giáo viên đã và đang thầm lặng hy sinh cho sự nghiệp trồng người trên mọi miền Tổ quốc.
Bởi vậy, hãy đừng nhìn nghề giáo và người giáo viên với con mắt quá khắt khe, chuẩn mực trong cái tầm nhìn và quan điểm của mỗi người mà hãy nhìn một cách rộng hơn, xa hơn thì sẽ rõ hơn, để cảm thông hơn với những áp lực mà mỗi thầy cô giáo hôm nay đang phải đối mặt. Đây cũng chính là cái đích hướng tới của việc dạy học sinh về đạo làm người.
Hãy tin ở các thầy cô, hãy giảm áp lực, để các thầy cô được làm nhiệm vụ từ chính lương tâm của mình.
Theo Dantri

Trang trí trong kiến trúc truyền thống

Trong các công trình kiến trúc gỗ truyền thống tại Việt Nam nhất là đối với các công trình mang yếu tố tôn giáo và tín ngưỡng như: đình, đền...